Thư đến: '... Con kính mong được Thầy chỉ giáo thêm cho con những lỗi lầm sai sót để con tu sửa'
T N, ngày 25 tháng 9 năm 1992

Kính Thầy.
Con tên H N Đ, 59 tuổi, ngụ tại khu phố..., phường...,thị xã T N.
Con chưa một lần diện kiến Thầy; Qua hình ảnh của Thầy thì con thấy và con cũng nghe được một ít băng của Thầy giảng.
Thưa Thầy! Con đi theo Pháp Lý Vô Vi này vào năm 1984 đến nay, nhưng mấy lúc sau này con cảm thấy mình trì trệ quá và kém quá, không tự biết được điều gì, có lẽ tại nghiệp con quá nặng và con cũng đã tự nguyện ăn chay từ hơn 10 năm nay.
Con kính mong được Thầy chỉ giáo thêm cho con những lỗi lầm sai sót để con tu sửa. Con là tín đồ Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Con kính lạy Thầy và kính chúc Thầy mạnh khỏe để dạy dỗ và dìu dắt bạn đạo chúng con tên đường tu tiến.

Kính lạy Thầy,
Con, HNĐ
 
Thư đi:
Hongkong, ngày 29/2/93

Đ Con,
Thầy nhận được thư con, được biết con đang ở trong hành trình tu học. Muốn thực hiện PLVVKHHBPP thì phải tự gạt bỏ tất cả những sự mê tín dị đoan trong óc, thực hành đúng pháp, khai thông khối óc, triền miên phát triển điển giới, khai thông đời đạo, minh chánh và sáng suốt. Tâm làm thân chịu; Phải sửa tiến, hợp thời thanh nhẹ chứ không nhờ đỡ và lợi dụng Bề trên nữa.
Mỗi chúng sanh đều có khối óc tinh vi và cơ thể thâu phóng tất cả những sự kích động và phản động trong chu trình tiến hóa. Chỉ có hướng thượng cảm thông điển giới, nhiên hậu mới có cơ hội giải mở và thăng hoa rõ rệt. Tu để tự giải nghiệp tâm chứ không phải tu để tạo nghiệp.
Vạn sự trên đời là không; Chỉ cần sửa tiến tâm thân, thanh nhẹ chánh giác thì sẽ không còn mê chấp nữa. Lúc nào cũng vui hòa với nguyên khí hiện hữu của Trời Đất. Cảnh đời là bãi trường thi, hoàn cảnh là ân sư; Nhờ hoàn cảnh kích động và phản động, chịu nhịn nhục phát triển tâm từ bi thì sẽ giải nạn và không còn tạo nạn nữa. Tự tu tự thức là chánh pháp. Vạn vật đồng nhất thể đều chịu luật hóa hóa sanh sanh. Cố gắng thực hành chánh pháp thì dù ở một góc trời nào cũng không phải lo âu cả.
Chúc con giữ tâm thanh tịnh để tiến hóa.

Quý thương,
Lương Sĩ Hằng
Tìm: