Thư đến: '... Bao nhiêu năm nay con tự bằng lòng, si mê cái tài hoa, đẹp đẽ với bao lý tưởng con đã sơn phết lên nó...'
Việt Nam, HM, ngày 15 tháng 11 năm 1998

Ông Tám thương kính,
Ðã lâu rồi con chẳng có dịp viết thư cho ông Tám. Tuy con cũng có nhiều vấn đề muốn viết hỏi ông Tám nhưng sau đó câu trả lời lại đến với con một cách ngẫu nhiên, trước khi đặt bút viết nên con lại thôi. Vả lại cuộc đời của con tuy nhiều lo toan vất vả nhưng con cảm thấy con vẫn nằm trong tình thương bao la của Trời Phật đã dạy dỗ cho con từng ly từng tí, giúp con thức tâm hằng giờ hằng phút, thành ra con cũng chẳng có gì để hỏi. Con viết nhờ thâm tình bạn đạo chiếu cố khuyến khích giúp con gởi thư nên con muốn tâm sự với ông Tám cho thỏa lòng mong nhớ. Viết thư cho ông Tám không khác gì trình diện trước mặt ông Tám. Có gì che dấu, gạt gẫm được trước mặt ông Tám chứ. Trước đây con trình diện ông Tám với tấm lòng chân thành, tự tin, hãnh diện biết là bao, có khác gì con rối trước mặt ông Tám đâu. Ôi! Nghĩ lại con mắc cỡ quá! Viết đến đây con không sao tránh khỏi chút ngậm ngùi hổ thẹn.
Hơn 20 năm từ khi gặp ông Tám đến giờ, chỉ mới gần đây thôi, tình cờ con đọc lại bài thơ ông Tám cho con, con chợt nhận ra cái bản ngã xấu xa của mình. Bao nhiêu năm nay con tự bằng lòng, si mê cái tài hoa, đẹp đẽ với bao lý tưởng con đã sơn phết lên nó. Con vẫn trốn tránh cái nhận thức thoáng qua trong tư tưởng có cái gì đó không ổn, và lâu lâu con có cảm giác bất ổn, bơ vơ, tìm kiếm lại nổi lên, một cái cảm giác ray rứt khôn nguôi đã đeo đuổi con từ thuở ấu thơ. Ðến khi con nhận ra rằng: Bao lâu con đã hành chưa đạt đến sự quy nhứt trong nội thức thì dù con nghĩ gì, con làm gì, dù cao thượng, đẹp đẽ hay xấu xa cũng đều nằm trong vòng mê chấp của bản ngã. Nó kéo theo biết bao sai lầm, đau khổ của kiếp người. Chẳng phải khi ông Tám tiết lộ kiếp trước con đã tu con mới biết, từ lâu con đã linh cảm hằng bao nhiêu kiếp con đã đau khổ tìm cái chân lý này đây. Tuy con hổ thẹn với ông Tám rằng hơn 20 năm qua, một thời gian không ngắn ngủi gì, con chỉ thấu hiểu được một chút cái điều căn bản mà người tu nào cũng biết rồi. Nhưng với con, khi con hiểu được đến đây thì con cảm thấy nhẹ nhàng, yên ổn như người đã tìm ra được mấu chốt của vấn đề, tâm con an tịnh hơn bao giờ và thấy trên đời vạn sự như không vậy.
Ông Tám thương kính! Từ sự hiểu biết đi đến giai đoạn thực hiện cho được cũng là vấn đề nan giải. Câu nói của ông Tư: "Học cái chết trước khi chết", câu nói đơn giản và mộc mạc ấy sao con thấy thật thiên nan vạn nan: Làm sao còn sống đây mà thật chết đi bản ngã của mình. Con cảm thấy mình thật sự bước vào bãi chiến trường, tuy âm thầm nhưng chẳng kém phần khốc liệt. Mỗi một tư tưởng phát ra là một lần ăn năn, mỗi một lời nói ra là một lời sám hối, mỗi một hành động với dụng ý dù tốt hay xấu thì hành động đó cũng trở nên khiếm khuyết. Ðến đây là chỗ cùng cực của lý luận hay những tình cảm sướt mướt mà bản chất con có. Con biết rằng ông Tám đã dạy con ngay từ thời gian đầu gặp gỡ. Thời gian ấy tuy thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho con học hỏi trọn một kiếp người. Con tiếc rằng thời gian ấy con còn non dại, ngu khờ quá. Qua biết bao thăng trầm, khổ ải phần lớn do chính mình tạo ra cho mình. Giờ đây con tự biết dừng lại nhìn sự việc một cách đơn giản để rồi thấy chẳng có gì sung sướng, hưởng thụ, đau khổ hay bi lụy nữa rồi. Con cảm thấy trong con có một sự thầm lặng, niềm an tịnh mà những diêu động của ngoại cảnh ít cảm nhiễm được nó, dù được hay mất cũng vậy thôi.
Thư cũng đã dài, con cũng không muốn làm ông Tám mệt thêm. Con vẫn mong ngày nào đó nghiệp quả được nhẹ bớt, con đỡ vất vả về chuyện đời, để có thì giờ chuyên tu được nhiều hơn, khỏi phụ lòng ông Tám. Dầu sao thành quả của con có ít chăng nữa thì đó cũng là cái mức tiến của riêng con. Con cũng muốn sự hồi âm của ông Tám.

Con của ông Tám,
NT
 
Thư đi:
Monaco, ngày 24 tháng 1 năm 1999

T con,
Ðã lâu ông Tám chưa được nghe qua luận thuyết của cô T. Ðiển giải phân hành, nguyên lý có có không không của cuộc đời của một bông sen tự vươn lên, bước qua một cuộc dấn thân và tự thấu triệt nghiệp lực là gì? Dù có tu cho cách mấy cũng phải dấn thân trong khổ mới tiến thân. Tin nơi Trời Phật và hành như Trời Phật thì mới phân tách được cảnh Trời mà tu.
Cho nên câu hỏi và câu trả lời, luôn sát cánh với nhau. Chỉ thiếu có thanh tịnh mà chưa hiểu đó thôi. Tiên Phật thành công cũng nhờ sự thanh tịnh tự đạt mà thôi. Con xa cách mới có 20 năm nhưng năm nay ông Tám tuổi hạc đã đến 76 tuổi rồi. Trước kia từ không có răng, đến có răng, rồi lại không răng, ý điển vẫn tựu, nắm bút phúc đáp thư người hiền trong trận đồ nhịn nhục thăng hoa. Có gì vui bằng tâm linh đã tự đạt? Ðó đây rất gần chẳng có xa thì mới thấy được điển là trường sanh bất diệt. Vũ trụ bầu trời lúc nào cũng quang khai độ tha tại trần. Nhìn tranh Trời mà tự giải nghiệp tâm. Sự trật tự siêu diệu của Trời Ðất tràn đầy tình thương và đạo đức.

Suối tình vẫn chảy khắp nơi
Trời ban tình đẹp do Trời dựng xây
Hình thành đẹp đẽ thân này
Tự tu khai khác thân này cảm giao
Trong ngoài muôn sắc muôn màu
Trong vòng trật tự đổi trao thỏa tình
Ði đi lại lại một mình
Tình Trời thâu gọn cơ hình dễ thương
Khai thông trí tuệ mở đường
Tình thương đạo đức yêu thương nhớ hoài
Thực hành khai triển chẳng sai
Trong không mà có, có hoài mới vui
Tự mình thức giác rèn trui
Ðời là tạm cảnh an vui chơn hồn
Thực hành giải tỏa ác ôn
Quy về một mối giữ hồn lo tu
Hồn thời thoát tục giải mù
Về quê Thiên Quốc an du phần hồn
Mới đây gặp một muốn hơn
Sống trong cảnh khổ tạp ơn nhớ hoài
Chúc con thanh tịnh sửa sai
Giữ hồn tiến hóa đạt ngày quang vinh
Thực hành gỡ rối hành trình
Tin nơi Trời Phật chính mình dựng xây
Ông Tám đã sống đến nay
Cũng nhờ Trời Phật đổi thay thế tình.

Quý thương,
Lương Sĩ Hằng
OngTamwriting
 
Vài thư đi thư lại mới đây
 
của tổng cộng 724 thư đi thư lại (được phổ biến) theo thứ tự ngược lại của ngày tải lên Thư Viện.
left-blu2 left-blu3 29 30 31 32 33 34 35 36 37
 
 
 
down-yel gif
Hướng dẫn cách dùng
(1)Trang 'Thư Từ Lai Vãng', cũng như cả VoviLib, là một phương tiện của chung, chứa đựng những thư đi thư lại trên đường hoằng pháp của thiền sư Lương Sĩ Hằng và bạn đồng hành trong suốt những năm Ngài còn tại thế. Chúng tôi lưu trữ những thư từ ấy trong chữ viết trong database để giúp việc truy cập của hành giả được dễ dàng hơn.
(2)Khung Tìm nhỏ ở bên trên có thể giúp quý vị tìm bài. Để sử dụng, đánh vào khung vài chữ muốn tìm của lá thư, chẳng hạn như 'VHT' (viết tắt tên người viết thư) và bấm 'Go'. Nếu tìm theo năm tháng, cần đánh theo thứ tự 'năm-tháng-ngày'. Thí dụ: '1988', hay '1988-07', hay '1988-07-06'. Nếu để trống và bấm 'Go', kết quả sẽ là tất cả thư từ hiện có! Xin dùng kiểu chữ Unicode.
(3)Để đọc một lá thư tìm được, bấm vào link của thư đó, lá thư sẽ hiện ra phía bên trái.
(4)Nếu bạn có account và đã login, có thể dùng link "Tải Thư Từ Lai Vãng lên Thư Viện" hiện ra ở bên trên để mang thư vào.
 

(Thư viện đang gom góp các thư từ lai vãng của Đức Thầy và hành giả Vô Vi. Kính mời quý bạn đạo gần xa đóng góp cho kho tàng chung này ngày càng đầy đủ hơn. Đa tạ.)

Tìm: