Thư đến: '... Năm câu hỏi thật dong dài...Xin Thầy minh giải con đây an lòng.'
QT, ngày 2 tháng 11 năm 1994

Thưa ông Tám,
Sách có dạy: "Không Thầy đố mày làm nên"; Nên dù ở Việt Nam xa xôi, tự tu tự tiến, nhưng thỉnh thoảng vẫn cần đến Thầy, làm phiền Thầy cũng không ngoài lý do để thành đạt lời Thầy hướng dẫn. Cho nên hôm nay con kính gởi đến Thầy Tám lòng kính yêu vô cùng và mong Ngài hồi âm cho con một ít câu hỏi để con thấy ấm áp tình thầy trò, động viên, hướng dẫn đường tự tu của con thêm:
1) Người tu thiền lâu năm có thể dùng phép "Mật Niệm Bát Chánh" để kiểm soát sự tu hành đúng hay sai hằng ngày. Nhưng người tu không dùng niệm bát chánh vì điển còn yếu thì dùng pháp gì để biết mình đúng hay sai hằng ngày?
2) Theo con hiểu: Người tu Vô Vi dùng điển, vận dụng siêu lý tự ngộ để dẫn độ mình. Khi mình làm một việc gì đó, đời hoặc đạo, đứng về phía cạnh đời nó là sai, là ác, là nghiệp nhưng bản thân hành giả hằng đêm vẫn hành thiền được tốt thì vẫn là tu đúng? Còn nếu tu bề ngoài tuy được khen là đúng, thuận lương tâm nhơn đạo nhưng bên trong hằng đêm hành thiền không tốt, trì trệ thì vẫn là tu sai?
3) Con tu hành còn non kém, nhưng khi cần thiết hoặc đôi khi con cảm nhận được điển ông Tám chiếu hóa cho. Cụ thể là sáng ngày 23-10-1994, tự dưng con thấy điển ông Tám chiếu hóa chúc lành con kỷ niệm ngày nhập môn tu của con? Con xin xác nhận, không phải để quá tin để tự gạt mà để tự an ủi cho đường tu học của mình.
4) Con có một vợ, một con gái. Vợ chồng con đã hơn 10 năm. Vợ khảo con hơn 7 năm. Đặc biệt là vợ con làm nợ nần hoài. Hành động này đã làm cho con minh lý riêng về thiện ác. Bạn bè thì bảo vợ con làm sai (nợ nần, tiêu xài hoang phí), thiếu trách nhiệm làm vợ, vv... (cái ác của vợ). Nhưng con lại thấy vợ con làm đúng (cái thiện). Vì con thấy do tiền kiếp của con đã đối xử về vật chất thiếu công bằng và một lời nguyền độc của vợ do lúc giận ở tiền kiếp nên kiếp này quậy quá. Hơn nữa hình như có một thế lực vô hình xen vào để khảo con thêm? Thưa có đúng không? Con đã nhẫn nhịn vợ con rất nhiều. Có lần con cảm thấy Đức Quan Âm cũng tội nghiệp con nữa! Nhưng trong lúc học nhẫn để giữ cho gia đình khỏi đổ vỡ, vì cần tiền để trả nợ, trong nghề nghiệp con đã có phần làm ăn mánh mung bất chánh (ngoài ý tham muốn, con ý tâm không than, rất buồn). Chuyện này có gây nghiệp lắm không, có thể sau này ráng tu đoái công chuộc tội không? Xin thưa rõ mánh mung này, có dư tiền chút con cũng làm công quả, những người bị con mánh mung cũng là dân mánh mung. Vì hình như con thấy trước nếu làm ngơ nhắm mắt thì số mệnh vợ chồng con cái ca bài ... đổ nát... Mong thầy cho lời minh giải để con gỡ nút này để tu tiến, không sa cơ lỡ bước đường Vô Vi ... Theo con hiểu mình có cơ hội lâm vào thế làm ăn mánh mung cũng là duyên, giúp cho mình mở trí và mình vẫn ý tâm tu học, tiền bạc bất chánh đem đi làm phước đức bớt, không dụng cho cá nhân, cứu giúp quyền lợi nhiều người khổ nạn khác hoặc bỏ là đừng làm là hai cách giải nghiệp tùy duyên ứng xử phải không?
5) Con làm việc, xung quanh cá tôm chết rất nhiều (làm ở chợ cá tôm), mùi tanh hôi, đã gần 10 năm vẫn kiên trì tu dù làm ban đêm, công phu xong đi làm. Lúc làm việc cũng niệm Phật, vậy mình có giúp ích gì cho loài cá tôm chết xung quanh thẳng tiến không? Hoặc là trược điển đó làm trì trệ tu học của mình? Xin Thầy minh giải?
Năm câu hỏi thật dong dài.
Xin Thầy minh giải con đây an lòng.

Kính thư,
con,
TQM
 
Thư đi:
Amphion, ngày 12/01/1995

QM,
Thầy nhận được thư con đề ngày 2/11/1994, được biết con đang tưởng nhớ đến Thầy.
1) Muốn niệm bát chánh phải do sự công phu đạt thành, hội đủ điển trên bộ đầu nhiên hậu mới niệm được bát chánh để tự kiểm soát lấy mình hằng đêm hằng ngày. Nếu chưa hội đủ điển, tức là công phu còn thiếu sót, chưa đầy đủ. Vậy con nên dùng tâm hướng thượng, công phu nhiều hơn sau những giây phút vật lộn với đời.
2) Chính con đã hỏi và tự trả lời.
3) Con có tâm thực hành thì luôn luôn có sự ban chiếu của luồng điển từ bi, không có gì bằng sự thành thật tưởng niệm cả.
4) Lấy râu ông này cặm cằm bà kia, chỉ tốn công mà thôi. Cuối cùng mình cũng tự hại vì tạo thêm tham mà không hay, tự hành thân xác mà tưởng lợi, thiếu dũng mãnh thăng hoa về phần hồn. Còn chuyện gia cang là nghiệp lực, lôi cuốn trong tập quán tốt hay xấu đó thôi. Người tu Pháp Lý Vô Vi phải dũng mãnh dứt khoát tham lam thì phần hồn mới được thanh nhẹ, không nên tạo thêm tập quán xấu, hại mình và hại cả hồn vía, tưởng lầm là mình đã khôn lanh hơn người khác. Tiền là con dao hai lưỡi, lúc nào cũng đứng vào trạng thái nguy hiểm mà thôi.
5) Nghiệp sát là nghiệp sát, có luật nhân quả rõ ràng. Tâm làm thân chịu, không có mảy may nào kêu ca và cầu cứu được, tương lai có thể hại đến vợ con mình. Nhiều người đã từng làm giàu trong nghiệp sát, cuối cùng cũng phải bị mổ xẻ như tôm cá mà thôi. Đối với người tu Pháp Lý Vô Vi nên tự dứt khoát, cầu xin Bề Trên hướng độ chuyển qua nghề nghiệp an lành hơn, nhịn nhục tu hành trong đạm bạt thì sẽ có kết quả ở tương lai.
Những gì Thầy đóng góp cho con, đó là những điều giúp con dũng mãnh thăng hoa dễ dãi thay vì lặn hụp trong cõi tạm không có lối thoát. Con phải đặt những câu hỏi ngược lại cho chính con khi bắt tay vào việc làm như: "Làm như vầy hậu quả sẽ ra sao?", là điều rất cần thiết. Phải đặt nhiều câu hỏi ngược lại trong ngày với chính con thì sẽ có cơ hội quán thông nhiều việc trong đời, để dẫn con đến việc giác tâm tự thức.
Chúc con và gia đình vui tiến.

Quý thương,
Lương Sĩ Hằng
OngTamDocThu
 
Vài thư đi thư lại mới đây
 
của tổng cộng 724 thư đi thư lại (được phổ biến) theo thứ tự ngược lại của ngày tải lên Thư Viện.
left-blu2 left-blu3 29 30 31 32 33 34 35 36 37
 
 
 
right-yel gif
Hướng dẫn cách dùng
 

(Thư viện đang gom góp các thư từ lai vãng của Đức Thầy và hành giả Vô Vi. Kính mời quý bạn đạo gần xa đóng góp cho kho tàng chung này ngày càng đầy đủ hơn. Đa tạ.)

Tìm: