Thư đến: '... Đời không muốn, tu đạo không sáng, con không biết mình rơi vào trạng thái nào nữa...'
Forthworth, 26/09/90

Nam Mô A Di Đà Phật Vạn Vật Thái Bình.
Kính Thầy! Con viết thư cho Thầy trễ hơn dự định vì gặp phải nhiều chuyện xảy đến bất ngờ. Cướp đến nhà con 2 giờ 30 sáng Thứ Tư ngày 5 tháng 9 này, chúng lấy hết nữ trang và tiền mặt. Con đã kêu cứu đến Thầy và con đã nhận được luồng điển, có lẽ vì thế mà chúng để các con của con ngủ yên và cũng không tra khảo đánh đập hay này nọ gì vợ chồng con cả. Con cũng không thấy tiếc của nhưng tâm hồn con không được bình thường khi ngồi thiền (có lẽ vì còn sợ hãi). Rồi ngay bây giờ thì chuyện làm ăn, lâu nay đã không ổn định, giờ có lẽ phải đi đến chỗ quyết định nghĩ làm. Ông chủ thì tốt nhưng ông mới nhận bà “manager” mới tính tình không tốt hay này nọ, lúc đưa đồ, lúc không biết làm sao cho vừa ý. Con nghĩ, Thầy đang cho vợ chồng con học bài nhẫn, cho chồng con chán đời. Nhưng anh ấy có chán hay không con chưa dò được ý, mà anh ấy đem hình má ảnh về nhà thờ để cầu phù hộ (bà mẹ mới chết ngày 29-11-89). Con có nói chuyện anh ấy nên niệm Phật cho được yên ổn mà anh ấy không chịu. Trong khi tối hôm bị cướp trói anh ấy niệm Phật liên miên. Bây giờ thì cằn nhằn con, việc đã như vậy mà cứ ngồi thiền hoài. Con trả lời vì tâm con đang nghĩ đến câu thơ: “Nay yên, mai động, chớ mơ chuyện đời”. Con thấy tu không biết đã đến đâu, con muốn nói đạo cho chồng con nghe, mà nói không được, không thông, sao tâm trí con ngu quá không hiểu gì cả? Việc làm sắp đặt không được xuôi chảy như những năm trước, tâm trí con lơ lửng làm sao ấy, ngu độn vô cùng. Có những đêm con ngồi thiền, con nguyện theo trực giác mà hồn con nó ở đâu không biết, có lúc cái ý con nguyện, mà cái tâm con cứ nghĩ đâu đâu… Con ít thấy Thầy như những năm con mới tu. Có những lúc con ngồi, con khóc một mình, không biết làm sao tu tiến được. Còn làm ba pháp, cũng niệm Phật, nhưng có lẽ tâm con động quá. Con cố gắng niệm Phật để mở cái cửa ngõ ở giữa hai chân mày nhưng không được kết quả gì. Lúc sau Đại Hội ở Florida, con định “bay” qua ở với Thầy vài ngày, rồi chuyện gì xảy tới thì tới. Nhưng chị N nói nếu làm như vậy thì “học bài” cả chùm, ngóc đầu không nổi. Thôi thì con “hy sinh” vậy. Giờ thì con chẳng có trốn đi “súc ruột” được vì chồng con kiểm soát hoài, chiều về nhà sớm vì sợ ăn cướp.
Lúc trước khi con tu, nhắm mắt thấy hình vòng bầu dục sáng bằng quả trứng gà ở trước mắt (1987). Gặp lúc ông D Qua nhà anh hai con, con còn ngu dốt nên con nhờ ông ấy làm sao cho chồng con chuyển ý cho con tu. Ông bảo con có bệnh tim lớn, đập mạnh, nên ông để tay vào ngực con, thế là hình quả trứng gà sáng dần dần mất hẳn, chỉ còn lại bống tối đen. Con gặp Thầy hai lần, con muốn nói việc này để Thầy cứu con, nhưng không sao nói được. Giờ thì con cầu cứu Thầy bằng lá thư này vậy. Con cố gắng chịu đựng tất cả, vì con nghĩ con tu là con phải sẵn sàng đón nhận mọi việc xảy đến với mình, tốt lẫn xấu. Thầy dạy con cứ nghĩ mình là Phật thì tu mới mau tiến được. Nhưng mỗi khi nghĩ như vậy con cảm thấy tự mắc cở thấy mình còn nhiều điều xấu quá. Con cố sửa tánh xấu của mình. Lúc trước thấy ai giận mình thì con sợ lắm, niệm Phật cầu cho họ đừng giận mình nữa, cầu cho họ gặp việc tốt để họ đừng nghĩ bậy. Giờ thì con nóng quá, không nghĩ rộng lượng được. Lắm lúc nghĩ mình xấu quá. Đời không muốn, tu đạo không sáng. Rồi con không biết mình rơi vào trạng thái nào nữa. Chị N nói gan của con đang mở nên mới như vậy đó. Con không biết đúng không?
Con xin lỗi Thầy, viết thư kỳ này chỉ toàn cầu cứu với Thầy thôi, chẳng “tự tu tự tiến” gì cả. Thương Thầy nhiều, nên làm phiền Thầy nhiều. Ha..Ha..Ha… Thầy thương con nghe Thầy, giỡn với Thầy một chút cho vui. Con hay chọc cười người nào mà con thích. Giận con, con cũng chọc cười luôn. Thương Thầy nhất trên đời.

ND
T.B. Gởi Thầy món quà nhỏ.
 
Thư đi:
Montréal, tháng 09 năm 1990

D con,
Thầy đã nhận được thư con đề ngày 26/09/90 với món quà. Thành thật cảm ơn con. Thầy được biết tình hình không ổn nơi địa phương của con. Đó là nghiệp chung mà mỗi gia đình ở Texas đang lo lắng. Chính người Việt không biết bảo bọc cho người Việt, thì họ làm cho người Việt càng phải đau khổ thêm. Đó cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh nhơn sinh, không nên tự hào mà gây họa. Vốn chúng ta là không, nên giữ bình thản, tâm không, thì chẳng có gì lo ngại cả. Con người là con người chưa ý thức rõ, lòng tham là tai hại vô cùng. Luật nhân quả có đầy đủ, tạo trược thì gánh trược, tạo thanh thì hưởng thanh. Con có ý chí tu luyện, thì mọi việc khổ nạn sẽ vượt qua trong tâm thức của con. Ở đời này không có gì đáng chấp và đáng mê cả. Nguyên lý nó đến rồi nó sẽ đi trong tâm khảm của mọi người. Sự có có không không là lẽ thường. Nó cũng là bài học quý giá cảm thức sự thương yêu đối với những người vấp phải hậu quả không hay. Tương lai họ sẽ đi về đâu? Tương lai của tiền kiếp chúng ta xem ở kiếp này thì thấy chúng ta vẫn đang trôi dạt và chưa giải quyết được chuyện gì. Chúng ta chỉ có hy vọng ở tương lai tốt đẹp mà thôi. Ý chí đó mọi người đều có trong niềm tin và hy vọng thật sự. Nhưng nhìn lại thể xác thì chúng ta được cấu trúc bởi siêu nhiên mà có. Tiền của có thể tạo được nhưng thể xác không thể có. Vậy chúng ta phải trở về vị trí sẵn có, đó là mầm móng tha thứ và thương yêu, hầu sớm tận hưởng được sự hạnh phúc của vũ trụ. Đến đây với bàn tay không và trở về với bàn tay không, chẳng có gì phải luyến tiếc cả.
Tham thiền nhập định để làm gì? Thưa để tự ổn định tâm thân trước sự biến chuyển của thời sự, nằm trong nguyên lý có có không không. Tâm là chánh, không còn sự mơ hồ ảo tưởng nữa, chỉ giữ tâm hướng thiện thì mọi việc sẽ thông. Quy về nội thức để hiểu mình hơn, có tiền duyên mới có hậu kiếp, học hỏi không ngừng nghĩ, tâm tự chấp nhận, yên ổn thăng tiến trở về “không”, tức là chánh gốc. Còn lo chuyện chưa xảy đến, chỉ tạo động cho tâm thức mà thôi. Con có gia đình chồng con, tức là con đang học bài học vay và trả mà thôi. Tiền kiếp có vay, kiếp này phải trả, không chạy trốn đi đâu được cả. Chỉ có chấp nhận nhịn và thương yêu thì mọi sự sẽ được toại nguyện ở tương lai. Con thấy thiệt thòi nhưng nhờ đó mới có cơ hội thăng hoa, vui với cơ hội trả nghiệp mà tiến hóa nhẹ nhàng hơn. Tâm tư lúc nào cũng thoải mái, đón nhận. Càng tu càng rõ nghiệp chướng là gì. Nó là một lực lượng để cho chúng sanh có cơ hội thức tâm trong nguyên lý nhồi quả để thăng hoa mà thôi. Con có khối óc, có ngũ tạng, con cố gắng tu thiền để cảm thức chiều sâu nguyên năng của cơ thể, chung quy tất cả đều là điển quang cả. Khi đào sâu được luồng điển chánh giác của chính mình thì lúc nào cũng sẽ được an nhiên tự tại cả, dù bất cứ ở hoàn cảnh khó hay dễ, lúc nào cũng vậy mà thôi. Tâm là chánh, vô cùng và bất diệt. Khi con hiểu được vị trí của chính con, con chỉ có nhịn nhục và thăng hoa mà thôi. Con sẽ không còn thụt lùi nữa. Con người không thể đứng thẳng vào một chỗ, dựa nơi tuổi tác của nó được, nhưng nó sẽ thay đổi theo chiều huớng của hoàn cảnh. Đó là luật tự nhiên. Thầy tóm tắt ít hàng gởi đến con để giải tỏa mọi sự phiền muộn có thể làm dơ bẩn tâm thức của con trong lúc này, để con sớm trở về với sự chơn giác tự tu tự tiến của con, con sẽ không còn lệ thuộc bởi ngoại cảnh nữa. Dùng ý niệm Nam Mô A Di Dà Phật để tự trở về với chơn giác, sống ở thế gian nhưng tâm không còn ở thế gian nữa, thì con sẽ có từ quang để ảnh hưởng người khác. Dũng chí thăng hoa trong thanh tịnh. Chúc con và gia đình vui khỏe.

Quý thương,
Lương Sĩ Hằng

Đào Mai
Đào Mai tái ngộ kỳ ni
Thương yêu tha thứ cũng vì đạo tâm
Đào Mai học hỏi thì thầm
Đào Mai tâm đạo uyên thâm đạo mùi
Đào Mai học hỏi rèn trui
Đào Mai hiểu được cái mùi đạo tâm
Đào Mai ngộ lý diệu thâm
Đào Mai hành pháp tự tầm đường đi
Đào Mai nghiêm chỉnh thực thi
Đào Mai thương nhớ tự ghi tiến lần
Đào Mai tu luyện chuyên cần
Đào Mai thức tỉnh góp phần dựng xây
Đào Mai trọn ý theo Thầy
Đào Mai khai triển đường xoay chuyển dời
Đào Mai học hỏi hợp thời
Đào Mai tinh tấn giữ lời nguyện tu
Đào Mai dẹp bỏ khờ ngu
Đào Mai thực hiện trùng tu hoài hoài
Đào Mai chẳng có so tài
Đào Mai cố gắng đêm ngày lo tu
Đào Mai dẹp bỏ tiền xu
Đào Mai thực hiện cùng tu về nguồn.

Nussdorf, tháng 9 năm 1990
LSH
OngTamwriting
 
Vài thư đi thư lại mới đây
681. Ngày 18-02-1998. Người viết: ÐVH
682. Ngày 07-02-1998. Người viết: NTS
683. Ngày 27-10-1997. Người viết: LTB
684. Ngày 23-09-1997. Người viết: NTBV
685. Tháng 12-1997. Người viết: TB
686. Ngày 18-12-1997. Người viết: LVD
687. Ngày 01-02-1998. Người viết: NTÐ
688. Ngày 18-02-1998. Người viết: NVT
689. Ngày 14-01-1998. Người viết: TM & NTKH
690. Ngày 01-02-1998. Người viết: TVT & TTL
691. Ngày 24-12-1996. Người viết: NVT
692. Ngày 26-09-1990. Người viết: ND
693. Ngày 06-03-1990. Người viết: PTPL
694. Ngày 14-03-1990. Người viết: NTT
695. Ngày 03-05-1990. Người viết: NTH
696. Ngày 16-06-1981. Người viết: CVL
697. Ngày 19-01-1990. Người viết: PTT
698. Ngày 03-07-1990. Người viết: TP
699. Ngày 25-09-1999. Người viết: LTN
700. Ngày 14-06-1981. Người viết: LĐ
 
của tổng cộng 724 thư đi thư lại (được phổ biến) theo thứ tự ngược lại của ngày tải lên Thư Viện.
left-blu2 left-blu3 29 30 31 32 33 34 [35] 36 37  right-blu3 right-blu2
 
 
 
down-yel gif
Hướng dẫn cách dùng
(1)Trang 'Thư Từ Lai Vãng', cũng như cả VoviLib, là một phương tiện của chung, chứa đựng những thư đi thư lại trên đường hoằng pháp của thiền sư Lương Sĩ Hằng và bạn đồng hành trong suốt những năm Ngài còn tại thế. Chúng tôi lưu trữ những thư từ ấy trong chữ viết trong database để giúp việc truy cập của hành giả được dễ dàng hơn.
(2)Khung Tìm nhỏ ở bên trên có thể giúp quý vị tìm bài. Để sử dụng, đánh vào khung vài chữ muốn tìm của lá thư, chẳng hạn như 'VHT' (viết tắt tên người viết thư) và bấm 'Go'. Nếu tìm theo năm tháng, cần đánh theo thứ tự 'năm-tháng-ngày'. Thí dụ: '1988', hay '1988-07', hay '1988-07-06'. Nếu để trống và bấm 'Go', kết quả sẽ là tất cả thư từ hiện có! Xin dùng kiểu chữ Unicode.
(3)Để đọc một lá thư tìm được, bấm vào link của thư đó, lá thư sẽ hiện ra phía bên trái.
(4)Nếu bạn có account và đã login, có thể dùng link "Tải Thư Từ Lai Vãng lên Thư Viện" hiện ra ở bên trên để mang thư vào.
 

(Thư viện đang gom góp các thư từ lai vãng của Đức Thầy và hành giả Vô Vi. Kính mời quý bạn đạo gần xa đóng góp cho kho tàng chung này ngày càng đầy đủ hơn. Đa tạ.)

Tìm: